Tội chiếm giữ trái phép tài sản là tội phạm như thế nào? Trường hợp người phạm tội có hành vi nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này?
Nội dung câu hỏi:
Chào luật sư, người ta có chuyển nhầm vào tài khoản của tôi 80 triệu đồng mà không thấy ai gọi gì cho tôi nên tôi đã rút ra và chi tiêu. Sau đó, anh A có liên lạc với tôi và tự xưng là chủ của số tiền trên và yêu cầu tôi trả lại nhưng tôi do không tin lắm nên đã nói là tôi không nhận được gì cả. Sau đó anh A có gọi lại mấy lần nhưng tôi đều không nghe. Liệu tôi có phạm tội gì không? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của công ty Luật Nguyễn Hà. Với thắc mắc của bạn, công ty chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn như sau:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với cấu thành tội phạm như sau:
- Về chủ thể: Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản là chủ thể thường, chỉ cần đạt độ tuổi theo luật định và có nhận thức, khả năng điều khiển hành vi bình thường đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm.
- Về khách thể: Tội chiếm giữ trái phép tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật bảo vệ.
- Về mặt chủ quan: Lỗi là lỗi cố ý.
- Về mặt khách quan:
Trước hết, người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được). Trong trường hợp bị giao nhầm, cần xác định người phạm tội phải hoàn toàn không có thủ đoạn nào để bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản cho mình. Nếu người phạm tội có bất kỳ thủ đoạn gian dối nào để bên giao tài sản hiểu nhầm và giao tài sản cho mình thì trường hợp này không cấu thành Tội chiếm giữ trái phép tài sản mà người phạm tội sẽ bị truy cứu về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về việc không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm.
Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.
Về hậu quả: giá trị tài sản bị giao nhầm phải từ mười triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Hậu quả là yếu tố bắt buộc trong tội phạm này.
* Trường hợp của bạn, khi anh A liên lạc và tự xưng là chủ số tiền, nếu bạn không tin lắm bạn có thể tiến hành các động thái để xác nhận xem A có phải là chủ sở hữu không. Thay vào đó, khi bạn không tin lắm, bạn lại nói là không nhận được gì và tiếp tục không nghe điện thoại. Hành vi này của bạn đã thoả mãn hành vi khách quan của tội này.
Tuy nhiên, trường hợp này, cần xác định là anh A có thực sự là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản là số tiền mà bạn được chuyển nhầm hay không. Nếu A thực sự là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp với số tiền 80 triệu thì bạn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là ý kiến tư vấn của công ty Luật Nguyễn Hà. Hy vọng với ý kiến tư vấn trên, Quý khách hàng sẽ có hướng giải quyết vấn đề của mình một cách tốt nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào chưa rõ cần hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 số: 1900.6590 để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Trân trọng!