Điều 121 Bộ luật hình sự có quy định về tội làm nhục người khác. Vậy tội này bị truy cứu với hành vi thế nào? Có cần yêu cầu khởi tố từ nạn nhân hay không?
Nội dung câu hỏi:
Chào luật sư, tôi là A (27 tuổi), do biết chồng tôi là B ngoại tình với cô C nên tôi đã tới cơ quan của cô C để đánh ghen. Tôi có lăng mạ cô ấy vì việc ngoại tình với chồng tôi để khiến cô ta bẽ mặt. Tôi và cô C có giằng co, đánh nhau tuy nhiên cả tôi và cô ta đều không bị thương nặng. Cô ta còn doạ tôi sẽ kiện tôi ra toà. Vậy tôi có bị xử lý hình sự không và nếu có thì bị xử lý về tội gì? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của công ty Luật Nguyễn Hà. Với thắc mắc của bạn, công ty chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định như sau:
"Điều 121. Tội làm nhục người khác
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm"
Xét cấu thành tội phạm của tội này, ta thấy:
- Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, do đó, tất cả những người đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có nhận thức bình thường đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mình thực hiện.
- Về khách thể: Tội phạm tại Điều 121 Bộ luật hình sự là tội xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm và tài sản.
- Về mặt chủ quan: Người phạm tội dùng lời nói, hành động của mình với mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau. Lỗi ở trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp.
- Về mặt khách quan: Hành vi khách quan trong tội này là hành vi "xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp và chưa có quy định nào của pháp luật cụ thể về vấn đề này. Trên thực tiễn xét xử thường căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội, người bị hại kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình, dư luận xã hội,... để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào.
Do đó, việc xác định bạn có phạm tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể, chi tiết trong vụ án. Cơ quan điều tra sẽ điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS 2003, các vụ án về tội là nhục người khác này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại. Do đó, chỉ khi nào chị C khởi kiện bạn thì bạn mới bị khởi tố và xét xử về hình sự nếu trong trường hợp hành vi của bạn được xác định là đã phạm tội.
Trong trường hợp hành vi của bạn chưa đến mức bị xử lý hình sự, tuỳ trường hợp bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 hoặc bị kiện đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
Trên đây là ý kiến tư vấn của công ty Luật Nguyễn Hà. Hy vọng với ý kiến tư vấn trên, Quý khách hàng sẽ có hướng giải quyết vấn đề của mình một cách tốt nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào chưa rõ cần hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 số: 1900.6590 để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Trân trọng!