Theo quy định pháp luật thì những Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng sẽ có 2 sự lựa chọn phương pháp tính thuế: Hoặc là theo phương pháp trực tiếp (mặc định); Hoặc theo phương pháp khấu trừ (phải thông báo đăng ký với cơ quan thuế). Chính vì có 2 sự lựa chọn, nên vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp sẽ chọn cách tính nào để có lợi cho doanh nghiệp - số thuế GTGT phải nộp là nhỏ nhất. Chính vì thế, trên thực tế, Luật Nguyễn Hà luôn phải căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể của từng doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT phù hợp nhất cho khách hàng.

Để giúp quý khách hàng tìm hiểu về các phương pháp tính thuế GTGT và đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất, Luật Nguyễn Hà xin đưa ra những kiến thức cơ bản về từng phương pháp trong bài viết sau đây. Nếu sau khi đọc bài viết, quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về phương pháp tính thuế GTGT hoặc các vấn đề khác có liên quan, mời liên hệ ngay tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.6590 để được Chuyên viên, Luật sư tư vấn thuế, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp.

1/ Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế:

Phương pháp tính thuế GTGT này được quy định tại Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 7 Nghị định 209/2013/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
a. Về cách tính thuế:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
  • Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng: Thuế giá trị gia tăng đầu ra =  giá tính thuế của HHDV chịu thuế bán ra  (x)  thuế suất thuế GTGT
  • Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ.
  • Trường hợp đặc biệt:
Đối với những hoá đơn đặc thù như tem, vé cước vận tải, vé sổ xố kiến thiết, trên hoá đơn có thể hiện giá đã bao gồm thuế GTGT thì kế toán phải tách thuế theo công thức: Giá chưa thuế = Giá thanh toán (tiền bán tem, vé)/(1 + thuế suất (%)) Do đó, thuế giá trị gia tăng phải nộp =  giá thanh toán (tiền bán tem, vé...) - giá chưa thuế * Lưu ý:
  • Nếu số thuế GTGT phải nộp > 0 tức là số thuế GTGT đầu ra lớn hơn số thuế GTGT đầu vào nhưng doanh nghiệp chưa chắc đã phải nộp thuế vì điều này còn phụ thuộc vào số thuế GTGT được khấu trừ từ kỳ trước chuyển sang.
  • Nếu số thuế GTGT phải nộp < 0 thì số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
b. Đối tượng được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo quy định pháp luật:
Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:
  • Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;
  • Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
c. Những doanh nghiệp nên tính thuế GTGT  theo phương pháp khấu trừ:
Đối với những doanh nghiệp có số thuế GTGT mua vào gần tương ứng với số thuế GTGT bán ra (chênh lệch giữa thuế GTGT bán ra và thuế GTGT mua vào không nhiều) tức là số thuế GTGT phải nộp là nhỏ, hoặc không phải nộp thuế GTGT. Những doanh nghiệp loại này thì nên chọn cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Cụ thể là các doanh nghiệp như sau:
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất; vận tải quốc tế…áp dụng mức thuế suất đầu ra là 0%; doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa dịch vụ không phải khai, tính nộp thuế GTGT. Với các doanh nghiệp này, thì thuế GTGT đầu ra là bằng 0 nhưng thuế GTGT đầu vào thì được khấu trừ toàn bộ. Do đó, doanh nghiệp này sẽ không phát sinh số thuế GTGT phải nộp, nhưng lại được hoàn thuế đầu vào;
  • Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT như: sản phẩm trồng trọt, giống vật nuôi, giống cây trồng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán bao, dịch vụ y tế, dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, dạy học, dạy nghề,... Các doanh nghiệp này không phát sinh số thuế GTGT phải nộp;
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà có đầy đủ hóa đơn GTGT của hàng mua vào tương ứng với hàng bán ra chịu thuế GTGT, và chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua là nhỏ (tỷ lệ lợi nhuận thấp). Với những doanh nghiệp này thì số thuế GTGT phải nộp là không đáng kể;
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn).
Đối với các trường hợp đăng ký tự nguyện; để được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, các doanh nghiệp phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

2/ Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

a. Về cách tính thuế:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x tỷ lệ %
Trong đó, tỷ lệ % được quy định như sau:
- Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%;
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.”
(Riêng hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, thì có cách tính khác:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = (giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra – giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng) x thuế suất thuế giá trị gia tăng)
 b. Đối tượng được áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp theo quy định pháp luật:
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
  • Hộ, cá nhân kinh doanh;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;
  • Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ như nêu trên.
c. Những doanh nghiệp nên tính thuế GTGT  theo phương pháp trực tiếp:
Nếu doanh nghiệp không có số thuế GTGT mua vào, hoặc thuế GTGT mua vào là quá nhỏ so với số thuế GTGT bán ra thì số thuế GTGT phải nộp là rất lớn nếu chọn theo phương pháp khấu trừ. Những doanh nghiệp loại này thì nên chọn cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Cụ thể là các doanh nghiệp sau:
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn thiết kế, lập dự toán, tư vấn pháp lý, dịch vụ nhân sự, các dịch vụ khác mà chi phí chủ yếu là tiền lương (nhân công/chất xám) hoặc chi phí không có hóa đơn GTGT;
  • Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, hay các ngành nghề khác mà không có hóa đơn GTGT của hàng mua vào như mua bán sản phẩm nông/lâm/ngư nghiệp, đất đá cát sỏi (mua từ người trực tiếp sản xuất bán ra). Do đó, số thuế GTGT đầu vào là hầu như không có hoặc rất nhỏ so với thuế GTGT đầu ra. Nếu chọn theo phương pháp khấu trừ thì thuế GTGT phải nộp là rất lớn. Chính vì thế nộp theo phương pháp trực tiếp sẽ tối ưu hơn vì số thuế GTGT phải nộp là nhỏ.

Trên đây là những tư vấn sơ bộ của Luật Nguyễn Hà để hướng dẫn lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT. Nếu quý khách hàng muốn được trao đổi trực tiếp với Chuyên viên, Luật sư tư vấn về Thuế, Doanh nghiệp của Luật Nguyễn Hà, mời quý khách hàng liên hệ ngay tới Tổng đài tư vấn 1900.6590. Chúng tôi sẽ tư vấn để quý khách hàng lựa chọn được phương pháp tính thuế GTGT phù hợp nhất. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tư vấn về tất cả các vấn đề liên quan như: Làm thế nào để được khấu trừ thuế GTGT khi mua hàng hóa trên 20 triệu khi áp dụng phương pháp khấu trừ; Cách làm Thông báo về phương pháp tính thuế; Mẫu các văn bản về thuế;.......

Mong rằng những tư vấn của Luật Nguyễn Hà sẽ giúp quý khách hàng dễ dàng giải quyết các công việc liên quan.

Trân trọng!