Theo quy định Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 thì một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi có đủ bốn điều kiện sau:
+ Được thành lập theo quy định pháp luật (theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 hoặc luật khác có liên quan)
Pháp nhân có thể được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những tổ chức nào thành lập bất hợp pháp thì không thỏa mãn điều kiện này, ví dụ như: các tổ chức phản động chống phá chính quyền, tổ chức trộm cắp....
+ Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015:
Ở điều kiện này pháp luật nhấn mạnh pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó:
Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của các thành viên trong pháp nhân, độc lập tài sản với các pháp nhân khác. Pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình trong các quan hệ dân sự, thương mại. Các thành viên trong pháp nhân không dùng tài sản riêng của mình để chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân. Đây là điều kiện quan trọng đối với một tổ chức có tư cách pháp nhân.
+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập:
Khi có tư cách pháp nhân, tổ chức là một chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật dân sự, được nhân danh mình thực hiện các giao dịch dân sự trong khi hoạt động. Tư cách của pháp nhân là tư cách của bản thân tổ chức, không phải là sự tổng hợp tư cách pháp lý của các thành viên trong tổ chức.
Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Khi một tổ chức được thành lập theo các điều kiện nêu trên thì sẽ được pháp luật công nhận là có tư cách pháp nhân, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, được Pháp luật bảo vệ trong suốt quá trình hoạt động.
Theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 thì pháp nhân có hai loại pháp nhân: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập với mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên trong pháp nhân.
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân được thành lập không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, trong quá trình hoạt động có lợi nhuận thì cũng không chia cho các thành viên trong pháp nhân.
Trên đây là ý kiến tư vấn của công ty Luật Nguyễn Hà. Hy vọng với ý kiến tư vấn trên, Quý khách hàng sẽ có hướng giải quyết vấn đề của mình một cách tốt nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào chưa rõ cần hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ.
Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 số: 1900.6590 để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Trân trọng!